Việc đặt tên cho con không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh và cuộc sống của trẻ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tên của công dân phải được đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác, không sử dụng số hay ký tự không phải chữ cái. Hơn nữa, tên gọi nên tránh những yếu tố có thể gây hiểu nhầm hoặc mang ý nghĩa không hay. Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà các bậc cha mẹ cần biết khi đặt tên cho con.
1. Lưu ý khi đặt tên cho con các bậc cha, mẹ cần biết
Căn cứ vào quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Thông tư 04/2020/TT-BTP, cha mẹ có thể tự thỏa thuận về họ, chữ đệm và tên của con (nếu không thỏa thuận được, sẽ xác định theo tập quán tại địa phương đăng ký khai sinh). Trong trường hợp cha mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, họ của con sẽ theo họ của cha hoặc mẹ, tuân thủ tập quán đảm bảo.
Tuy nhiên, khi đặt tên cho con, các bậc cha mẹ cần lưu ý 5 vấn đề pháp lý sau đây:
- Tên của con phải được đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.
- Không được đặt tên của con bằng số hay ký tự mà không phải là chữ.
- Tên của con không được vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cũng như không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự 2015.
- Tên của con không nên quá dài và khó sử dụng.
- Đặt tên cho con phải tuân thủ pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo tồn bản sắc dân tộc, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.
2. Điều cấm kỵ cần tránh khi đặt tên cho con
Tránh đặt tên con trùng với tên ông bà tổ tiên
Từ xưa đến nay, ông bà ta luôn truyền dạy cho con cháu về việc ghi nhớ cội nguồn, biết ơn tổ tiên và giữ gìn bản sắc "kính trên nhường dưới" trong gia đình. Khi đặt tên cho con, chúng ta cũng nên tuân thủ nguyên tắc này bằng cách tránh đặt trùng tên với những bậc trên trong gia đình, và cũng không nên đặt tên trùng với các ông bà tổ tiên đã mất. Việc đặt tên con trùng với anh chị em cùng thế hệ trong nhà cũng nên tránh.
Người ta đã từ lâu nói "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", vì vậy, đặt tên con trùng với những bậc trên trong gia đình được xem là vi phạm quy tắc và những đứa trẻ này thường không được sự trợ giúp từ tổ tiên và không được lòng yêu mến của mọi người trong dòng họ. Một số bậc làm cha mẹ trẻ hiện nay có thể cho rằng trong dòng họ có quá nhiều tên và không thể tránh khỏi việc đặt trùng tên cho con. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể thực hiện nếu bố mẹ xem xét và tìm hiểu kỹ về những tên trong 3 đời trước đó của dòng họ và tránh đặt trùng tên cho con cái.
Tránh đặt tên cho con có nghĩa xấu
Khi đặt tên cho con, bố mẹ nên tránh những tên có ý nghĩa xấu hoặc dễ bị xuyên tạc thành nghĩa xấu. Tên là điều gắn liền với cuộc sống của con và có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau. Bố mẹ cần xem xét các từ mang ý nghĩa xấu và tránh đặt tên con dựa trên những từ đó. Hãy đảm bảo rằng tên của con luôn mang ý nghĩa tốt và không dễ bị biến tấu thành nghĩa xấu. Ví dụ, tránh đặt những tên như Nở, Mắm, Tép vì có thể bị lợi dụng để trêu trọc con.
Bố mẹ cũng nên cẩn thận khi ghép các chữ cái đầu trong họ, tên đệm và tên của con để tránh tạo ra từ có ý nghĩa xấu hoặc xui xẻo. Mặc dù trường hợp này khá hiếm, vì đa số tên của người Việt Nam bắt đầu bằng phụ âm và không có nghĩa đặc biệt khi ghép chúng. Tuy nhiên, để đảm bảo, bố mẹ nên kiểm tra kỹ tên con trước khi quyết định đặt tên cuối cùng.
Tránh đặt tên cho con quá cầu toàn
Khi đặt tên cho con, bố mẹ cần nhớ rằng mong muốn tên đẹp cho con không nên cầu toàn và tuyệt đối. Việc sử dụng những từ quá cầu toàn, cầu lợi để đặt tên cho con sẽ tạo cảm giác bố mẹ quá cực đoan hoặc thiếu thiện cảm đối với mọi người. Ví dụ như những tên như Đại Tài, Đại Phát, Hoa Khôi, Bạch Tuyết... có thể khiến người khác đánh giá rằng bố mẹ quá cầu toàn, và có thể con bạn sẽ bị chế giễu, trêu trọc vì những tên này.
Đặt tên con với mong muốn tốt đẹp tuyệt đối như vậy không cố ý nhưng cũng tạo ra áp lực cho con trong suốt cuộc đời. Những tên như Trạng Nguyên, Thành Công, Toàn Lợi, Mỹ Nhân, Ngọc Ngà, Châu Báu... mang ý nghĩa quá tốt đẹp có thể khiến con bị so sánh hoặc không đáp ứng được những kỳ vọng của tên đó.
Tránh đặt tên con khó phân biệt nam nữ
Đặt tên cho con sao cho có thể hiểu là nam hoặc nữ có thể mang lại cá tính riêng và làm cho con thích tên đó trong tương lai, nhưng thực tế là điều này có thể gây rắc rối cho con bạn. Sự nhầm lẫn về giới tính trong các giấy tờ là chuyện thường gặp, và khi con đi học, có nguy cơ bị bạn bè trêu chọc.
Ngoài ra, tên gọi cũng ảnh hưởng đến tính cách và giới tính của con. Ví dụ, nếu bạn đặt tên con trai là Ngọc Thủy, Hà Linh, Thu Dương hoặc đặt tên con gái là Hoàng Thái, Thanh Minh, thì có thể làm cho tính cách của con phát triển theo một phần tương ứng với tên gọi đó. Tên gọi dễ gây hiểu nhầm về giới tính cũng khiến người khác gặp khó khăn khi gọi con với danh xưng như "Cô/chị" hay "Anh/chú" mà không biết đã gọi sai giới tính của con.
Tránh đặt tên con khó gọi hoặc khó nghe
Trong việc đặt tên cho con, cần lưu ý rằng tên gọi sẽ gắn liền với con suốt đời và có thể được người khác sử dụng nhiều hơn để gọi hoặc ám chỉ một người nào đó. Do đó, nếu bạn đặt tên cho con mà có ngữ âm khó gọi hoặc các thanh âm khó nghe, điều này sẽ không tốt cho con. Nó sẽ gây khó khăn khi người khác gọi tên con và cũng gây chú ý và tạo mất thiện cảm với người khác khi nghe tên con bạn.
Thông thường, tên của người Việt thường gồm 3 hoặc 4 chữ, bao gồm họ, tên đệm và tên. Có những trường hợp ít gặp hơn với 2 chữ hoặc 5 chữ. Trong tên của mỗi người, các tiếng đều thuộc thanh bằng hoặc thanh trắc. Do đó, bố mẹ cũng nên chú ý đặt tên cho con sao cho nghe dễ hài hòa, đọc nghe êm tai và tránh việc không tuân thủ sự hài hòa giữa thanh bằng và trắc.
3. Trường hợp nào cá nhân có quyền thay đổi họ tên cho con?
Theo quy định của Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015, quyền thay đổi tên được quy định cụ thể như sau:
- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong các trường hợp sau đây:
+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó.
+ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi không còn làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.
+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con.
+ Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.
+ Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng là công dân hoặc để lấy lại tên trước khi thay đổi.
+ Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính hoặc đã chuyển đổi giới tính.
+ Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
- Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
- Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Theo đó, để có thể tiến hành đổi tên thì sẽ cần thuộc một trong những quy định pháp luật nêu trên.
Như vậy, trên đây là nội dung chi tiết về Lưu ý khi đặt tên cho con các bậc cha, mẹ cần biết